Nhà ống là một đề tài hấp dẫn của nhiều kiến trúc sư nổi tiếng thế giới. Tadao Ando, kiến trúc sư hàng đầu Nhật Bản, được thế giới biết đến khi thực hiện ngôi nhà ống đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của mình năm 1976 (Nhà Azuma – ND). Hai ngôi nhà Kanamori và Nakayama ở nước Nhật được thực hiện khi ông đã có nhiều tên tuổi. Điều đó đã chứng minh rằng kiến trúc có thâm thuý hay không sẽ không hề phụ thuộc vào kích cỡ hay thể loại công trình.

ando01Hình vẽ nghiên cứu cuộc “hành trình kiến trúc” trong ngôi nhà Kanamori, KTS Tadao Ando

Nhà phố Kanamori ở Osaka, Nhật Bản

Ngôi nhà Kanamori được KTS Tadao Ando thực hiện năm 1994, nó nằm trong một khu vực sầm uất với những cửa hàng buôn bán ở thành phố Osaka. Ngôi nhà rất hẹp với 2,9m chiều rộng và 15m chiều dài nên đã tạo ra một cảm giác rất sâu. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà ông đã biến cái cảm giác này trở thành điểm mạnh của đồ án. Ngôi nhà có hai vế, một bên là các công năng thông thường, bên kia là hệ giao thông nối liền không gian các tầng lại với nhau. Chính hệ giao thông này là phần tử quyết định sự thành công của công trình. Nó vừa chạy theo cả chiều dọc lẫn chiều cao của ngôi nhà. Đó là sự bố trí của một tổ hợp cầu thang mà tại những điểm dừng luôn gây ra những cảm xúc bất ngờ. Ví như ở phòng khách tại tầng hai, nó được đặt trong một không gian với chiều cao thông suốt ba tầng. Hay như điểm kết thúc ở tầng bốn, nó thoát ra khoảng sân mở thông lên trời tràn ngập ánh sáng.

??????????????????Ngôi nhà Kanamori nằm trong khu vực rất dày đặc và ồn ào của thành phố Osaka. Chỉ có tầng một được mở cho cửa hàng, ba tầng phía trên được đóng kín bởi kính mờ.

Việc di chuyển trong không gian luôn được KTS Tadao Ando quan tâm lưu ý trong những tác phẩm của mình. Nhất là cầu thang luôn là phần tử then chốt trong tổ chức không gian của công trình. Nó là phần tử chính trong cuộc “hành trình kiến trúc” mà ông luôn tìm kiếm. Chúng ta phải biết rằng người “thầy” quan trọng nhất của Tadao Ando chính là Le Corbusier, cha đẻ của nền kiến trúc hiện đại. Chính phạm trù “hành trình kiến trúc” đã được Le Corbusier tìm tòi ngay từ những tác phẩm đầu tiên của mình. (Ngôi biệt thự “Villa Savoye” xây năm 1929 tại Pháp thể hiện rất rõ nguyên lý này). Điều đáng nói ở đây là Le Corbusier ảnh hưởng tư tưởng này từ kiến trúc Arập (các nước Bắc Phi). Ông đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm trong những chuyến du lịch của mình. Ông nói:“Kiến trúc Ả rập mang lại cho chúng ta một bài học quý báu. Đó là việc coi trọng sự tản bộ bằng chân. Chỉ trong khi đi bộ, khi dịch chuyển chúng ta mới thấy được cách bố cục của kiến trúc phát triển như thế nào. Đó là nguyên lý ngược hẳn với kiến trúc Baroc, cái được diễn đạt xung quanh một điểm lý thuyết cố định. Tôi thích bài học của kiến trúc Arập hơn”.

??????????????????Phòng khách ở tầng hai được lấy hết chiều cao của ba tầng nên đã đánh mất đi cảm giác chật hẹp của ngôi nhà.

Kiến trúc được thành lập phụ thuộc vào sự di chuyển trong không gian thực ra cũng là một trong những tính cách đặc thù của kiến trúc truyền thống Nhật Bản. Khác với Trung Quốc hay ở nước ta, ngôi nhà truyền thống Nhật Bản được thành lập dựa trên một mặt bằng “bất” đối xứng. Khi đi từ lối vào nhà đến khu vườn “bí mật” bên trong đã tạo ra một sự di chuyển như một cuộc hành trình rất lôi cuốn thông qua những không gian đặt lệch, những nơi được thu nhỏ hay mở rộng bởi những tấm cửa trượt. Điều mà Tadao Ando học ở Le Corbusier chính là sự ứng dụng nguyên lý này trong kiến trúc hiện đại.

Ngoài ra ngôi nhà có bốn tầng, toàn bộ tầng một được dành cho cửa hàng, ba tầng trên để ở. Cũng giống như một số nhà ở tư nhân khác mà KTS Tadao Ando thiết kế, mặt tiền ngôi nhà này cũng được bịt kín để tránh đi sự ồn ào từ ngoài phố. Nhưng do vật liệu bằng kính mờ nên ánh sáng vẫn có thể truyền qua được. Và tất nhiên khoảng sân trong mở thông lên trời đưa con người gần gũi với thiên nhiên là phần tử không thể thiếu được trong những ngôi nhà mà ông thiết kế. Ở đây nó thông liền tầng ba với tầng bốn và nằm ở giữa các phòng ngủ.

Nhà phố Nakayama ở Nara, Nhật Bản

Ngôi nhà Nakayama ở thành phố Nara được xây năm 1985, nó có chiều rộng 7m và chiều dài 19m. Nó được chia làm hai vế đều nhau một cách rõ rệt theo chiều dọc nhà. Một bên dành cho ở còn bên kia là khoảng sân mang lại bầu không khí để thở cho ngôi nhà. Toàn bộ cấu trúc không gian của công trình hướng ra phía sân để lấy ánh sáng. Tầng một là các không gian sinh hoạt chung, tầng hai có phòng ngủ và phòng uống trà.

Đối với KTS Tadao Ando thì thiên nhiên không bao giờ có thể tách rời khỏi kiến trúc, đó cũng là một điều dễ hiểu khi là người châu Á. Thiên nhiên luôn là linh hồn trong những tác phẩm mà ông thiết kế. Ở nơi đó con người phải được sống gần gũi với nó nhiều nhất. Có thể sờ được không khí, ngửi được những hạt mưa và nhìn thấy được chiều thứ tư của không gian thông qua ánh sáng.

??????????????????Sân trời được mở ở tầng ba và tầng bốn (điểm kết của cuộc “hành trình kiến trúc”). Khi đi từ phòng nọ sang phòng kia ta có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên.

Thiên nhiên luôn được ông chớp lấy và gói lại trong những bức tường bêtông của mình, một sự hoà đồng giữa một thể xác cứng rắn với một tâm hồn tĩnh lặng và thanh thản. Thiên nhiên được nhìn nhận như một phần tử kiến trúc riêng biệt và cùng những công năng khác tổ hợp lên ngôi nhà. Một tổ hợp luôn hướng nội thúc đẩy cho con người có khả năng suy nghĩ để tìm lại được chính mình.

Nước Nhật mở cửa từ những năm 60 của thế kỷ trước, đó cũng đánh dấu bước khởi đầu trong tiến trình phát triển đô thị rất ồ ạt tại nhiều thành phố. Sự phát triển rất dày đặc và không đồng bộ tạo ra bộ mặt của đô thị một sự hỗn loạn. Để tránh đi cái sự ồn ào của phố thị và cũng như muốn tìm lại một âm hưởng của kiến trúc truyền thống, những ngôi nhà mà ông thiết kế luôn được bao bọc bởi những bức tường kín. Những bức tường bằng bêtông tuy về mặt thể chất tạo ra một sự ranh giới rất rõ ràng giữa trong và ngoài, nhưng có một điều kỳ diệu nào đó mà chúng như gây ra một sự lôi cuốn hướng sang phía bên kia. Ông cũng đã từng giải thích vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn“Đối với tôi con người luôn cảm nhận được điều gì đó như linh tính hay linh cảm. Ví dụ như trường hợp bức tường, cần phải làm cho mọi người cảm thấy có cái gì đằng sau nó. Đó là cái mà chúng tôi gọi là “kehai” theo tiếng Nhật, sự linh cảm. Điều đó rất quan trọng. Trong những tác phẩm của tôi, tôi muốn mọi người phải cảm nhận được đằng sau cái mà họ nhìn thấy. Có rất nhiều công trình kiến trúc đương đại dừng lại tại vị trí bức tường, phía sau nó các kiến trúc sư không để ý tới nữa. Điều quan trọng đối với tôi là tất cả những thứ mà chúng ta không nhìn thấy, không thể nhìn thấy. Cần phải đưa ra một kiểu phương tiện để gợi ý sự tồn tại ở phía đằng sau đó. Tôi nghĩ rằng cái ý tưởng cho kiến trúc dựa theo bản năng và trực cảm chưa được biết đến nhiều trên thế giới”.

??????????????????Sân trong ngôi nhà Nakayama. Cầu thang luôn là phần tử chính trong cuộc “hành trình kiến trúc”.

??????????????????Giới hạn giữa trong và ngoài hầu như bị xoá bỏ. Thiên nhiên không chỉ là cây cối, nó là không khí, ánh sáng và cả những hạt mưa nữa.

Ngoài ra cũng như ngôi nhà Kanamori kể trên, ta lại thấy một lần nữa cuộc “hành trình kiến trúc” ở ngôi nhà này. Muốn đi từ phòng khách ở tầng một lên phòng ngủ ở tầng hai, ta có thể đi ra ngoài sân, bước theo cầu thang rồi tới sân thượng, sau đó mới đi vào trong phòng ngủ. Việc bố trí cuộc hành trình từ trong ra ngoài rồi lại từ ngoài vào trong có mục đích làm cho con người có thể tiếp xúc với thiên nhiên nhiều nhất. Cuộc hành trình được dàn dựng một cách khéo léo bởi sự tổ hợp của các phần tử kiến trúc riêng biệt tạo ra những cảm xúc khác nhau như cầu thang được treo lơ lửng trong không gian, sân thượng là không gian trung chuyển giữa trong và ngoài.

??????????????????Phòng uống trà cũng là không gian thiền trong kiến trúc Nhật bản. Sự sử dụng vật liệu bêtông hoàn toàn hiện đại nhưng cái “hồn” của không gian truyền thống vẫn luôn được bảo tồn. Để có được sự tồn tại của ánh sáng, KTS Tadao Ando luôn đi tìm bóng tối. Đối với ông chính bóng tối sẽ mang tới chiều sâu của không gian. 

??????????????????Sân thượng nhìn từ phòng ngủ. Tất cả các không gian trong nhà đều có sự liên hệ rất gần gũi với thiên nhiên. Sự bố trí khéo léo của dầm dọc nhà để xác định rõ nét không gian sân thượng.

??????????????????Một nửa diện tích ngôi nhà được dành cho thiên nhiên.

Hai công trình mà KTS Tadao Ando thực hiện kể trên, về “hình thức” chúng hoàn toàn khác nhau nhưng chung quy lại vẫn cùng những tư tưởng trùng hợp. Đó là sự tìm tòi sáng tạo của người kiến trúc sư để có được con đường đi riêng của chính mình.

Bài viết : Kiến trúc Nhà ngói @

Thiết kế : Tadao Ando

Thông tin : Vũ Hoàng Sơn

Nguồn : KT & ĐS